Suốt quãng thời gian 8 năm đi học rồi nghỉ vì không có tiền,Đườnghọcbachìmbảynổicủathủkhoatuổgiải sgk toán 7 gắng trở lại lần nữa để rồi vẫn phải từ bỏ, Cẩn nhẫn nại từng bước. Khi cuộc sống dần ổn định ở mức khiêm tốn với một vợ một con, khát vọng học tập và lo cho tương lai đã đưa anh quay lại giảng đường và giành kết quả ngọt ngào, xuất sắc.
Tô Gia Cẩn kết thúc ca dạy thêm cuối cùng trong ngày lúc 21h. Ăn xong cơm tối, anh chơi với cô con gái 6 tuổi và cho bé đi ngủ rồi mới soạn bài hôm sau. Hôm 10/10, ở tuổi 30, anh được vinh danh thủ khoa tốt nghiệp Đại học Thủ Đô Hà Nội tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, với điểm trung bình 3.77/4.0. Vợ và con anh cũng có mặt.
"Con thấy bố mặc đồ cử nhân giống mình lúc tốt nghiệp mẫu giáo cũng biết đấy là ngày đặc biệt. Bé rất thích vòng hoa trạng nguyên lấp lánh, bằng khen cùng kỷ niệm chương bố mang về", anh Cẩn nói trong niềm vui. Sau hơn chục năm với vài lần tưởng đứt đoạn việc học, cuối cùng, anh đạt mục tiêu.
Năm Cẩn học cấp hai, bố mẹ không sống cùng nhau nữa. Hai anh em ở với mẹ và luôn chủ động học hành. Năm 2011, Cẩn đỗ chương trình cử nhân Quốc tế của trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng hết năm nhất buộc phải bảo lưu vì công việc của mẹ gặp khó khăn, không có khả năng chi trả. Mẹ sau đó cũng đi lấy chồng, hai anh em về nương tựa vào bà trong căn nhà tập thể ở quận Hoàn Kiếm.
Suốt thời gian không đi học, Cẩn làm gia sư Toán, tiếng Anh cho học sinh cấp 1 và 2 lấy tiền trang trải cuộc sống và tiết kiệm để đi học lại. Sau khi trở lại trường học gần hết năm 2, áp lực tiền bạc khiến Cẩn quyết định nghỉ hẳn để tập trung dạy học. Trong những năm tháng khó khăn, Cẩn luôn có sự đồng hành của người bạn gái từ thời phổ thông, sau này là vợ. Gia đình bạn gái cũng yêu quý Cẩn, giới thiệu nhiều học sinh tới học. 23 tuổi, anh kết hôn.
"Khi ấy tôi chưa có gì. Tôi luôn biết ơn gia đình vợ đã bao bọc và hỗ trợ", anh Cẩn nói.
Hai vợ chồng chuyển về ở cùng bố mẹ vợ để tiết kiệm chi phí và tiếp tục duy trì các lớp học thêm. Được phụ huynh tin tưởng, lớp học của vợ chồng anh ngày càng đông học sinh, giúp sống được với nghề.
Sau khi con gái chào đời, anh Cẩn nghĩ tới việc cần phải có một công việc ổn định để lo cho gia đình. Nếu có bằng cấp chính quy, việc dạy học sẽ thuận lợi hơn. Nhưng mãi tới năm 2019, khi con 2 tuổi, anh mới quyết tâm thi lại đại học.
"Năm đó, em gái tôi cũng ôn vào đại học. Anh Cẩn vừa hỗ trợ em, vừa tự luyện khi chỉ cách ngày thi 2-3 tháng", chị Trần Thị Hạnh, vợ anh Cẩn, kể.
Theo chị Hạnh, ngày còn học trường THPT Trần Phú, anh Cẩn là học sinh giỏi, trong lớp chọn Toán của trường. Anh cũng học tốt các môn tự nhiên và tiếng Anh nên xét tuyển khối D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh) vào ngành Sư phạm Toán học, khoa Sư phạm, trường Đại học Thủ Đô Hà Nội. Trong ba môn, anh Cẩn đuối Hóa nhất.
"Tôi gặp khó khăn trong việc ôn luyện vì đã có tuổi. Hơn nữa, hình thức thi bây giờ chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm, khác với thời tôi học", anh Cẩn cho biết.
Các lớp học thêm diễn ra buổi tối nên ban ngày, anh tự học và luyện đề bằng các tài liệu trên mạng. Chị Hạnh cũng hỗ trợ chồng thu thập tài liệu và củng cố kiến thức. Mỗi ngày, anh đều đặn làm đề thi thử của môn Toán và tiếng Anh. Với môn Hóa, anh ôn lại lý thuyết và thỉnh thoảng làm đề. Kết quả, anh được 7,8 Toán; 6,26 Hóa và 9 tiếng Anh, tổng 30,85/40, thừa điểm trúng tuyển vào trường.
Tuy nhiên lúc vào học cùng các bạn kém mình 8 tuổi, anh Cẩn cảm thấy ngại và tự ti. Anh xác định khó kết bạn nên những ngày đầu chỉ đi một mình và ngồi một chỗ.
"Thấy tôi nhiều tuổi quá, mọi người tò mò đến chủ động trò chuyện và làm quen. Các bạn ấy thân thiện và cởi mở, giúp tôi dần hòa nhập được với lớp", anh Cẩn nói.
Mục tiêu đi học để có chuyên môn chắc chắn và không phải thi lại để đỡ tốn tiền, anh học nghiêm túc trong thời gian ở trường. Tối về bận dạy, anh hầu như không có lúc nào để xem lại bài. Nhà không có phòng riêng nên những lúc thi, anh phải đợi vợ con đi ngủ mới thức để ôn.
Sau kỳ đầu tiên đạt kết quả học tập xuất sắc và giành học bổng, anh Cẩn thêm động lực và duy trì thành tích này cho đến khi tốt nghiệp.
TS Nguyễn Thị Hồng, Trưởng bộ môn Sư phạm Toán học, là người hướng dẫn anh Cẩn khóa luận tốt nghiệp. Cô Hồng ấn tượng với học trò ở ý chí vươn lên, cầu tiến và luôn chăm chỉ.
"Cẩn không ngại khó khăn, luôn cố gắng trong học tập và rèn luyện", cô Hồng nhận xét.
Ở khoa, anh Cẩn được các thầy cô yêu mến và biết đến. Cô Nguyễn Thị Thúy Vinh, giảng viên bộ môn Toán học, nói khâm phục tinh thần và khả năng học tập của anh Cẩn.
"Cẩn là sinh viên rất giỏi. Kết quả đạt được xứng đáng với nỗ lực trong 4 năm ở trường", cô Vinh cho hay.
Sau khi tốt nghiệp, anh Cẩn trúng tuyển vị trí giáo viên Toán của trường THCS Đô Thị Việt Hưng ở quận Long Biên và hiện dạy hợp đồng. Hơn một tháng đi làm, anh đã dần quen với môi trường, đồng nghiệp và học sinh.
"Tôi mong có cơ hội được gắn bó lâu dài ở ngôi trường này", anh Cẩn chia sẻ.
Thời gian tới, anh Cẩn muốn nâng cao kỹ năng dạy học và nếu có cơ hội sẽ học thạc sĩ để nâng cao chuyên môn. Điều anh rút ra là dù lâm vào nghịch cảnh nào cũng hãy cố gắng học, không học văn hóa thì có thể học nghề, rồi dần dần cơ hội mới đến. Nếu không học, bạn không có quyền lựa chọn.
"Tôi quá may mắn khi được gia đình vợ hỗ trợ nên mới có điều kiện để đảm bảo cuộc sống, lập gia đình và tiếp tục theo đuổi việc học. Tôi mang ơn nhà vợ rất nhiều", anh Cẩn nói.
Bình Minh